Nhựa Bình Minh lãi 6 tháng giảm 34%, có thể mất thị phần trong thời gian tới

Nhựa Bình Minh ước tính doanh thu thuần 6 tháng đầu năm là 1.841 tỷ đồng (tăng 5,7%) và LNTT là 280 tỷ đồng (giảm 34% so với cùng kỳ) chủ yếu do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Công ty cũng tăng tỷ lệ chiết khấu bán hàng để giữ thị phần.

nhua binh minh lai 6 thang giam 34 co the mat thi phan trong thoi gian toi
Nhựa Bình Minh lãi 6 tháng giảm 34%, có thể mất một số thị phần trong thời gian tới

Công ty Cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) vừa có báo cáo cập nhật ngắn về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (Mã: BMP).

Lãi 6 tháng giảm 34% cùng kỳ

Theo đó, Nhựa Bình Minh ước tính doanh thu thuần 6 tháng đầu năm là 1.841 tỷ đồng (tăng 5,7%) và LNTT là 280 tỷ đồng (giảm 34% so với cùng kỳ) chủ yếu do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh và công ty cũng tăng tỷ lệ chiết khấu bán hàng nền để giữ thị phần.

Cụ thể, giá nguyên liệu đầu vào tăng 17% so với cùng kỳ và cũng cao hơn 9,6% so với mức giá bình quân trong năm 2016. Trong khi đó, với cạnh tranh gia tăng, công ty đã tăng tỷ lệ chiết khấu bán hàng nền cho các nhà phân phối thêm 4%, từ 11% lên 15% trong Qúy II năm nay.

Hai yếu tố trên đã tác động tiêu cực lên lợi nhuận. Với kết quả này, công ty chỉ hoàn thành 45,5% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong nửa đầu năm nay, công ty đã tiêu thụ 42.183 tấn ống nhựa (tăng 6,6% so với cùng kỳ), thấp hơn dự báo do cạnh tranh khốc liệt hơn. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận giảm, vào cuối tháng 3 năm nay, công ty đã nâng tỷ lệ chiết khấu bán hàng nền cho đại lý để giữ thị phần. Công ty đã giữ khá ổn định tỷ lệ chiết khấu bán hàng nền trong vài năm qua, vào khoảng 11% cho đến Qúy II, làm tỷ suất lợi nhuận giảm.

Nhựa Bình Minh cho biết đã tăng công suất thêm 40% vào cuối năm ngoái và sẽ tăng công suất thêm 15,4% nữa trong năm nay. Do đó, công ty hiện đang tập trung giữ tỷ lệ tận dụng công suất ở mức tối đa nhất để giảm tối thiểu chi phí sản xuất đơn vị. Điều này cũng buộc công ty ưu tiên đẩy mạnh bán hàng hơn cải thiện tỷ suất lợi nhuận trong bối cảnh thị trường cạnh tranh.

Trên thực tế, sau khi BMP tăng tỷ lệ chiết khấu thêm 4%, NTP cũng đã tăng tỷ lệ chiết khấu của mình thêm 5%. So sánh với HSG, tỷ lệ chiết khấu bình quân của BMP chỉ là khoảng 15- 20% trong khi đó tỷ lệ chiết khấu của HSG cho cùng sản phẩm lại cao hơn nhiều, khoảng 34%. Hơn nữa, cạnh tranh mới từ Đại Thành và Phúc Hà vừa giới thiệu sản phẩm ống nhựa vào thị trường gần đây sẽ làm BMP mất một số thị phần.

HSC ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm xuống 22 - 25% từ mức kỷ lục là 34,3% trong 6 tháng đầu năm ngoái. Dĩ nhiên, tỷ suất lợi nhuận cao đỉnh điểm đạt được trong năm ngoái là không bền vững. Dù vậy, mức giảm là khá lớn, chủ yếu là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng 17,15%.

Hiện tại, Nhựa Bình Minh có 1.536 đại lý trên cả nước, tăng 6% so với đầu năm. Công ty có kế hoạch tăng 10 - 12% số lượng đại lý trong hệ thống phân phối mỗi năm.

Kế hoạch nâng công suất vẫn theo đúng tiến độ. Hiện tổng công suất của BMP là 130.000 tấn sản phẩm/ năm. Đến tháng 11 năm nay, công ty dự kiến nâng tổng công suất lên 150.000 tấn sản phẩm/năm nhờ nâng thêm 20.000 tấn sản phẩm/năm từ Giai đoạn 2 nhà máy Long An. Tổng vốn đầu tư cho Giai đoạn 2 khoảng 620 - 630 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6 công ty đã giải ngân khoảng 260 tỷ đồng.

Tiến trình nới room diễn ra chậm hơn dự kiến

Ban đầu, Nhựa Bình Minh dự kiến nới room lên 100% vào tháng 6 năm nay. Sau khi trình hồ sơ xin nới room lên UBCKNN, cơ quan này đã yêu cầu công ty cung cấp thêm thông tin về lĩnh vực xuất nhập khẩu và kinh doanh hóa chất được đề cập đến trong điều lệ công ty. Đây là những lĩnh lực thuộc hoạt động kinh doanh chính của công ty.

Do vậy hiện công ty đang chờ Bộ Công thương phân loại các lĩnh vực này. BMP dự kiến sẽ nhận được thông tin phản hồi của Bộ Công thương trước cuối tháng 7 với kết quả có lợi cho BMP trong việc nới room. Tại ĐHCĐTN, cổ đông đã thông qua nội dụng sửa đổi điều lệ công ty và theo đó bỏ 2 lĩnh vực là vận tải đường bộ và quảng cáo ra khỏi điều lệ.

Trong khi đó, SCIC vẫn muốn bán cổ phần tại BMP như đề cập trong đề án tái cơ cấu mới nhất của mình.

Về vấn đề truy thu thuế, BMP hi vọng sẽ được xử lý xong trong năm nay. Trong quý I, công ty đã nhận được hoàn lại khoảng 22 tỷ đồng trong số 71,4 tỷ đồng. Đây là khoản cổ tức tiền mặt BMP trả cho Nhà nước trong giai đoạn 2009 - 2010. Công ty sẽ đề nghị HĐQT chấp thuận quyết định mới nhất của Cục thuế TP HCM.

Theo đó BMP đồng ý trả phần còn lại là 49,4 tỷ đồng để giải quyết vụ việc. Và các khoản mục trên BCTC theo đó sẽ được hạch toán như sau: Các khoản phải thu khác trên bảng cân đối kế toán giảm 71,4 tỷ đồng, tương ứng số tiền công ty đã nộp cho Cục Thuế trước đây. Công ty sẽ ghi nhận 22 tỷ đồng vào lợi nhuận giữ lại trên bảng cân đối kế toán. Bảng báo cáo kết quả kinh doanh sẽ không chịu ảnh hưởng.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng