Khi doanh nghiệp tự “bắn vào chân mình”

Lương, thưởng minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động. Ảnh: Trực Ngôn

Tuân thủ nghiêm túc pháp luật lao động sẽ giúp doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 45 vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc. Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động như: Trả lương, thưởng không đúng hạn, không đóng BHXH, nợ BHXH, không điều chỉnh lương tối thiểu vùng, không triển khai lương thưởng.

“Có những vụ xuất phát từ việc NSDLĐ thiếu cẩn trọng trong hoạt động xây dựng chính sách chăm lo nên vô tình gây ức chế cho người lao động (NLĐ), dẫn đến xảy ra tranh chấp không đáng có”, ông Nguyễn Phi Hổ - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP.HCM - lắc đầu nói.

Không công bằng với công nhân

Thực tế, trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp lao động, khi đối chiếu khiếu nại của CN và tình hình thực hiện chế độ chính sách tại DN, các hòa giải viên lao động tại TP.HCM khẳng định, chính NSDLĐ đã tự gây bất ổn cho đơn vị khi không quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của NLĐ.

Trong số 45 vụ tranh chấp lao động, đáng lưu ý có DN để xảy ra ngừng việc 2-3 lần, điển hình là Công ty TNHH W và Công ty TNHH S. Đơn cử tại Công ty TNHH S, cả 3 lần xảy ra tranh chấp đều có cùng nguyên nhân là do chính sách lương, thưởng chưa hợp lý (cào bằng, không phân biệt CN cũ và mới). Đáng lưu ý là ở 2 lần tranh chấp gần đây nhất trong tháng 8.2016, dù đã được cơ quan chức năng góp ý song những bất cập trong việc xét thưởng vẫn chưa được DN khắc phục. Chán nản trước cách hành xử thiếu công bằng của lãnh đạo DN, hàng loạt CN đã nộp đơn xin nghỉ việc. Tham gia giải quyết ngừng việc, một cán bộ LĐLĐ quận Bình Tân, TP.HCM, bày tỏ tiếc nuối: “Có đơn hàng ổn định là một lợi thế của công ty, lẽ ra DN phải chỉn chu hơn trong chính sách chăm lo, chính sách đãi ngộ CN phải được thực hiện một cách công bằng, có như vậy mới tạo động lực làm việc cho NLĐ”, bà Nguyễn Thị Thanh Dân - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP.HCM - nói.

Tương tự, tại Công ty W, việc ban giám đốc thay đổi xoành xoạch chính sách nâng lương đã tạo điều kiện cho mầm mống tranh chấp nảy sinh. Trước đây, khi xét nâng lương định kỳ hằng năm, công ty căn cứ vào tiêu chí tay nghề. Thế nhưng, trong thông báo nâng lương vừa được triển khai hồi tháng 8.2016, lãnh đạo công ty lại áp đặt tiêu chí này khiến CN bất bình. Cho rằng bị DN “o ép”, tập thể CN đã phản ứng và đến lúc đó thì công ty mới nhượng bộ.

Cần minh bạch chính sách tiền lương, đãi ngộ

Theo quy định của pháp luật lao động, khi xây dựng các chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến NLĐ, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở (CĐCS) (đối với DN đã có CĐ) hoặc CĐ cấp trên (nếu DN chưa thành lập CĐ). Thế nhưng, rất ít DN quan tâm đến điều này, thậm chí bỏ qua những góp ý mang tính xây dựng của tổ chức CĐ và đây chính là nguyên nhân khiến tranh chấp phát sinh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Dy Hy - Giám đốc Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP.HCM) - cho biết: “Khi xây dựng quy chế trả lương, thưởng, DN và CĐCS đều thảo luận kỹ càng trước khi công bố cho NLĐ biết, ưu tiên hàng đầu là tuân thủ các quy định của pháp luật. Riêng chính sách đãi ngộ, sau khi hai bên đạt được sự đồng thuận cao thì mới công khai, minh bạch để CN tự giám sát quyền lợi”. Với sự cẩn trọng ấy, ở mỗi đợt điều chỉnh lương tối thiểu hoặc xét nâng lương định kỳ, chưa bao giờ CN tại công ty bị thiệt thòi quyền lợi.

Tương tự, tại Công ty TNHH Quảng Việt (100% vốn nước ngoài, huyện Củ Chi, TP.HCM), việc tạo điều kiện cho CĐ tham gia góp ý chính sách tiền lương, đãi ngộ đã giúp DN ổn định quan hệ lao động một cách căn cơ. Ông Trần Văn Hên - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Quảng Việt - chia sẻ: “Biết lắng nghe ý kiến đóng góp của CĐ để hoàn thiện chính sách tiền lương, đãi ngộ CN, tinh thần cầu thị ấy của DN luôn được tập thể ghi nhận”. Còn tại một số DN điển hình như Công ty TNHH Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp), Công ty CP Cơ khí Tân Thanh (quận Thủ Đức) hay Công ty TNHH Liên doanh Stada (huyện Hóc Môn), chỉ khi nào đạt được sự đồng thuận với CĐCS và được các cơ quan chức năng công nhận thì chính sách tiền lương, đãi ngộ mới được DN áp dụng. Các quy định mới sau khi được sửa đổi, bổ sung trong thang lương, bảng lương sẽ được DN công khai tại nơi làm việc để NLĐ biết và tự giám sát quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Văn Khải - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM: Cốt lõi là thiện chí của doanh nghiệp

Xu thế hội nhập đòi hỏi NSDLĐ phải có ý thức tuân thủ luật, đặc biệt là minh bạch trong chính sách chăm lo bởi điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định quan hệ lao động tại DN. Khi xây dựng chính sách tiền lương, đặc biệt là chế độ đãi ngộ CN, DN nên tham khảo ý kiến của CĐCS. Chỉ khi nào hai bên đạt được sự nhất trí cao thì DN mới thực hiện để tránh khiếu nại, thắc mắc không đáng có từ tập thể NLĐ. Về phía NLĐ, chỉ cần được đối xử công bằng thì họ cố gắng làm việc, vì sự phát triển của DN.