Hội thảo tham vấn hướng đến Phiên đàm phán thứ 4 của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Ngày 26 tháng 3 năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội nhựa Việt Nam đã tham gia Hội thảo tham vấn hướng đến Phiên đàm phán thứ 4 của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.

Hội thảo có sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu. Sự quan tâm của các đại biểu đến hội thảo đã thể hiện quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa. Những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp tích cực của các bên liên quan trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cùng hướng tới một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (dự kiến thông qua trong năm 2024).

Với định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hội thảo đã kết nối, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm liên quan đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; đổi mới, sáng tạo để giảm ô nhiễm nhựa, huy động tài chính và đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa…Dự thảo số 0 sửa đổi là trọng tâm của hội thảo lần này để có được những thông tin hữu ích cho công tác đàm phán. Dự thảo mới nhất dù chưa được hoàn thiện để là dự thảo đầu tiên nhưng cũng đã được chỉnh sửa và cụ thể, chi tiết hơn đối với từng điều khoản với tất cả các khía cạnh liên quan đến nhưa. Đối tượng hưởng lợi và chịu tác động đa dạng bao trùm toàn xã hội nên có rất nhiều quan điểm đưa ra, kể cả các ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đó chính là chìa khóa để gợi mở cho đoàn công tác.

Bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng Thư ký của Hiệp hội nhựa Việt Nam đã trình bày một số quan điểm liên quan đến Thỏa thuận này. Bà Mỹ cho hay, cùng với xu thế phát triển của thế giới thì Việt Nam không thể đứng ngoài được. Vì vậy, việc tham gia vào Thỏa thuận toàn cầu và làm thế nào để giảm rác thải nhựa, Chính phủ Việt Nam cũng như các Doanh nghiệp ngành nhựa phải có các giải pháp phù hợp để triển khai trong thời gian tới. Việt Nam là đất nước đang phát triển, nền kinh tế nói riêng cũng có sự khác biệt so với các nước do vậy Việt Nam cần có các giải pháp, định hướng phù hợp và thực tế hơn. .

Hiện tại Việt Nam có đến 90% Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để thay đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn thì các Doanh nghiệp này sẽ gặp khó khăn hơn so với các Doanh nghiệp lớn. Do vậy, các Doanh nghiệp cần có thời gian, cần có sự hướng dẫn cụ thể để có thể chuyển đổi một cách phù hợp và nhịp nhàng. Xét thấy ngành nhựa cần phải có sự thay đổi nhất định để đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như tiêu chí phù hợp. Thông qua Thỏa thuận này, Cơ quan Bộ ngành cần thông tin đến các Doanh nghiệp ngành nhựa để nắm và chuẩn bị thay đổi mô hình tốt hơn.

Nội dung chính của Thỏa thuận này là hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa và hướng đến phát triển ngành tái chế. Trong 2 năm gần đây, việc tái chế thu gom xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam đã bắt đầu hoạt động tích cực và mang lại giá trị nhất định cho ngành nhựa. Tuy nhiên để phát triển xa hơn và đồng bộ hơn nữa thì trong thời gian tới, các Doanh nghiệp rất cần sự quan tâm và chung tay từ các Cơ quan Bộ ban ngành cũng như các tổ chức và đối tác quốc tế trong công tác hướng dẫn về đầu tư công nghệ mới cũng như ban hành các chính sách phù hợp giúp cho các Doanh nghiệp đầu tư đúng hướng.