Anh sắp cấm tiệt tăm bông, ống hút nhựa

TTO - Các loại tăm bông ngoáy tai thường bị xối bỏ trong bồn cầu hay bồn rửa vệ sinh là một trong những nguồn rác thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Anh sắp cấm tiệt tăm bông, ống hút nhựa - Ảnh 1.

Rất nhiều loài vật đã chết vì ăn phải rác thải nhựa - Ảnh: REUTERS

Theo báo Guardian, các loại tăm bông ngoáy tai, ống hút nhựa và nhiều đồ nhựa dùng một lần khác có thể bị cấm tại Anh từ năm tới trong giai đoạn tiếp theo của chiến dịch ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa của chính phủ.

Thủ tướng Theresa May hy vọng với tuyên bố đưa ra ngay trước thềm cuộc họp của các nguyên thủ trong khối Thịnh vượng chung khai mạc ngày 19-4, Anh sẽ thuyết phục được các nước cùng tham gia cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Bà May cho rằng: "Khối Thịnh vượng chung là tổ chức duy nhất có thiên nhiên hoang dã và môi trường rất đa dạng, do đó chúng ta cần phải hành động ngay".

Tại Anh các loại hạt kim tuyến trang trí cũng đã bị cấm sử dụng. Cùng với đó, việc tính phí 5 pence (1 bảng Anh bằng 100 pence) với một chiếc túi nhựa (túi ni-lon) tại Anh cũng đã giúp giảm đáng kể tình trạng sử dụng chúng.

Theo các số liệu thống kê của Bộ Môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn của Anh, nhờ việc tính phí này, số lượng túi nhựa được đưa vào sử dụng đã giảm 9 tỉ chiếc.

Công tác tham vấn cho quyết định cấm đồ nhựa dùng một lần sẽ được chính phủ tổ chức vào nửa sau năm nay và có thể chính thức áp dụng lệnh cấm từ đầu năm tới (2019).

Trước đó, ngay từ tháng 1 năm nay, chính phủ Scotland đã tổ chức tham vấn về kế hoạch cấm việc sản xuất, kinh doanh các loại tăm bông có sử dụng nhựa tại đây. Các nhà vận động chính sách cho rằng lệnh cấm đó sẽ góp phần giảm một nửa lượng rác thải nhựa của Scotland.

Các loại tăm bông ngoáy tai thường bị xối bỏ trong bồn cầu hay bồn rửa vệ sinh là một trong những nguồn rác thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Vì có kích thước nhỏ nên chúng thường bị các loài chim và nhiều sinh vật biển ăn phải.

Ước tính hiện có 150 triệu tấn rác thải nhựa trong các đại dương trên thế giới và hơn 100.000 loài động vật có vú ở biển đã chết vì ăn phải rác nhựa.