​ Trung Quốc cấm nhập phế liệu, rác nhựa Mỹ đổ về Đông Nam Á

Thay vì xuất khẩu sang Trung Quốc, một nửa lượng rác nhựa từ Mỹ đổ về Đông Nam Á, khiến các nước như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam phải chật vật tìm cách xử lý “làn sóng nhựa”.

Theo nghiên cứu mới đây, việc Bắc Kinh ngừng nhập khẩu phế liệu đã khiến Mỹ chuyển hướng tới các nước đang phát triển ở Đông Nam Á để tái chế.

Unearthed, dự án điều tra của tổ chức Hòa bình Xanh phân tích dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ và phát hiện trong 6 tháng đầu năm, gần một nửa số rác thải nhựa do Mỹ xuất khẩu được đưa tới Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Trong khi đó, năm ngoái, 70% lượng rác từ Mỹ được xuất tới Trung Quốc và Hong Kong.

Khủng hoảng nhựa toàn cầu

Lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc năm nay đã buộc các nước phương Tây phải tìm cách khác để trút lượng rác nhựa thừa. Trước đó, Trung Quốc vốn là nhà nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới. Mỹ, Anh, Đức, Nhật và Mexico nằm trong số những nước xuất khẩu nhựa phế liệu đến Trung Quốc nhiều nhất.

Theo các nhà hoạt động, bản phân tích của Unearthed cho thấy Mỹ lợi dụng các nước đang phát triển, những nước chưa có khung quy định về xử lý rác nhựa một cách thân thiện với môi trường.

“Thay vì tự chịu trách nhiệm cho rác do chính họ thải ra, các công ty Mỹ lợi dụng những quốc gia đang phát triển nhằm bảo vệ bản thân”, John Hocevar, giám đốc chiến dịch Oceans của tổ chức Hòa bình Xanh Mỹ, nhận định.

Trung Quoc cam nhap phe lieu, rac nhua My do ve Dong Nam A hinh anh 1
Lượng rác nhựa Mỹ xuất khẩu đến các nước trước và sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu rác. Nguồn: Greenpeace.

Theo ông Hocevar, rác thải, trong đó có rác tái chế của các hộ gia đình, gồm chai nhựa dùng một lần, túi nylon và màng bọc thực phẩm. Tuy nhiên, chúng có thể chứa những chất độc hại.

“Vấn đề của Mỹ và các nước phát triển là họ thường sản xuất ra các vật liệu độc hại mà họ không thể và cũng sẽ không tự giải quyết”, Guardiandẫn lời chuyên gia.

Ông Hocevar cho rằng quyết định ngừng nhập rác của Trung Quốc đã phơi bày quy mô của cuộc khủng hoảng rác nhựa toàn cầu – “đó là chúng ta đang tạo ra lượng nhựa khổng lồ mà không biết phải xử lý ra sao”.

“Khi bỏ rác nhựa vào thùng rác, người bình thường sẽ nghĩ chúng được tái chế chứ không phải chuyển tới Trung Quốc hay bây giờ là Đông Nam Á, nơi chúng được đốt hoặc chôn lấp tại các bãi thu gom”, ông nêu rõ.

Trung Quoc cam nhap phe lieu, rac nhua My do ve Dong Nam A hinh anh 2
Rác nhựa mắc lại trên cây gần sông Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Getty.

Dữ liệu do Unearthed thu thập cho thấy trong nửa đầu năm 2018, lượng xuất khẩu rác nhựa của Mỹ giảm 1/3 so với năm 2017, từ 949.789 tấn xuống 666.780 tấn. Lượng xuất khẩu tới Trung Quốc giảm 92%, số liệu tương ứng với Hong Kong giảm 77%.

Trong khi đó, rác nhựa Thái Lan nhập khẩu từ Mỹ tăng mạnh 2.000% trong năm nay, đạt 91.505 tấn. Lượng rác từ Mỹ tới Malaysia và Việt Nam lần lượt tăng 273% tới 157.299 tấn, và 46% lên 71.220 tấn. Số phế liệu Mỹ xuất khẩu tới Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc cũng tăng đáng kể trong cùng kỳ.

Đông Nam Á chật vật xử lý

Theo các báo cáo, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phải loay hoay tìm cách xử lý và kiểm soát “làn sóng rác nhựa” chuyển hướng vào khu vực sau khi Trung Quốc cấm cửa phế liệu nước ngoài.

“Khi lượng nhập khẩu tăng, chúng ta thấy các nước bắt đầu phản ứng. Điều chính yếu cuối cùng là phải giảm rác thải từ nguồn”, ông Hocevar nói.

Tại Thái Lan, cái chết của con cá voi hoa tiêu nuốt 80 túi nylon hồi tháng 6 báo động ảnh hưởng tiêu cực của rác nhựa trên biển. Theo truyền thông địa phương, chính phủ Thái Lan đang cân nhắc cấm tất cả các loại phế liệu nhập khẩu sau khi phát hiện hoạt động bất thường tại các cơ sở tái chế.

Vào tháng 5, Việt Nam tạm dừng nhập khẩu rác nhựa sau khi hai bến cảng ngập tràn phế liệu chuyển hướng từ Trung Quốc.

Tháng 7, Malaysia cũng thu hồi giấy phép nhập khẩu một số loại nhựa của 114 nhà máy sau khi các cơ sở tái chế ở Banting, phía tây nam Kuala Lumpur, buộc phải đóng cửa do phàn nàn từ người dân về tình trạng ô nhiễm không khí và nước.

Trung Quoc cam nhap phe lieu, rac nhua My do ve Dong Nam A hinh anh 3
Rác thải Mỹ xuất khẩu tới các nước từ năm 2013 đến 2018. Nguồn: Greenpeace.

Daniel Hoornweg, phó giáo sư thuộc khoa hệ thống năng lượng và khoa học hạt nhân tại Viện Công nghệ Đại học Ontario, nói về sự gia tăng của rác thải Mỹ tới Đông Nam Á như sau: “Đúng là nó giống như cơ hội trục lợi. Tôi đoán qua thời gian, các nước sẽ bắt đầu thắt chặt nhập khẩu và xử lý rác thải”.

“Người Canada, Mỹ và châu Âu phải nhận ra rằng đây là vấn đề lớn hơn việc nói không với túi nylon ở quầy thanh toán. Việc này đòi hỏi xem xét lại toàn bộ nền kinh tế về căn bản để có những thay đổi cần thiết”, ông Hoornweg cảnh báo.

“Điều thú vị là những thứ Mỹ chuyển đi, như nhựa tái chế, cuối cùng lại quay về Mỹ và được bán dưới dạng các đồ chơi bằng nhựa trong siêu thị”, ông nói thêm.

Dẫu vậy, Adina Renee Adler, giám đốc về các vấn đề quốc tế tại Viện Công nghiệp Tái chế Phế Liệu, cho biết ngành phế liệu của Mỹ “không phải đang trút rác thải lên Đông Nam Á" bởi vì thị trường vật liệu tại đây vốn hợp pháp.

“Chúng tôi nói rằng vật liệu tái chế và phế liệu được mua, không phải được bán”, bà Adler nêu rõ.

Theo bà, những lệnh cấm tạm thời và nhiều vấn đề khác tại các quốc gia Đông Nam Á bắt nguồn từ việc những công ty bất chính chuyển hướng từ Trung Quốc và hoạt động bất hợp pháp, thiếu kiểm soát.

“Các chính phủ nói rằng cảng của họ đang quá tải. Nhưng chúng tôi hy vọng lệnh cấm chỉ là tạm thời bởi đây là thương mại hợp pháp”, bà Adler nói, cho biết thêm thị trường xử lý rác nhựa ở Mỹ và Canada đang tiếp tục tăng.