​ Ninh Bình: Dân “kêu trời” vì xưởng sản xuất đồ nhựa 10 năm nằm giữa khu dân cư!


Dân trí Một xưởng tái chế, sản xuất dép nhựa rộng hàng trăm mét vuông được chính quyền địa phương cho phép hoạt động ngay giữa khu dân cư. Mỗi khi cơ sở này sản xuất người dân lại được phen “lãnh đủ” tiếng ồn, mùi khét lẹt từ đây phát ra. Chục năm qua, dân chỉ biết “kêu trời”.

Nhiều hộ thôn Yên Ninh, xã Yên Quang, huyện Nho Quan (Ninh Bình) phản ánh với PV báo Dân trí, thời gian qua họ liên tục phải sống chung với ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí từ một cơ sở thu mua, tái chế và sản xuất dép nhựa nằm ngay giữa thôn phát ra. Sống bên xưởng sản xuất này nhiều năm khiến cuộc sống của các hộ dân bị đảo lộn, nhiều người lo lắng sẽ mắc phải bệnh tật khi thường xuyên phải tiếp xúc với mùi khét lẹt, tương lai của con cháu trong gia đình bị ô nhiễm bủa vây.

Theo đó, từ năm 2007 gia đình ông Hoàng Văn Mãn được cấp có thẩm quyền huyện Nho Quan cho phép hoạt động thu mua, tái chế nhựa và sản xuất dép nhựa. Năm 2015, cơ sở này mới thực hiện đề án bảo vệ môi trường và được UBND huyện Nho Quan xác nhận.

Xưởng chế biến, sản xuất dép nhựa của hộ ông Hoàng Văn Mãn 10 năm qua nằm ngay giữa khu dân cư.

Xưởng chế biến, sản xuất dép nhựa của hộ ông Hoàng Văn Mãn 10 năm qua nằm ngay giữa khu dân cư.

Gia đình ông Vũ Văn Lâm sống ngay sau xưởng sản xuất của hộ ông Mãn bức xúc, xưởng tái chế, sản xuất dép của hộ ông Mãn hoạt động từ 4 giờ sáng cho đến tối mới nghỉ. Có ngày tất cả các máy đều hoạt động gây ra tiếng ồn không sao chịu nổi. “Máy nghiền nhựa, ép dép khi hoạt động phát ra tiếng ầm ầm và tạo độ rung mạnh khiến nhiều người trong gia đình tôi không sao chịu nổi. Nguy hiểm nhất là mùi nhựa khét lẹt của nhựa bay ra từ xưởng chế biến, chúng tôi không sao chịu nổi phải đóng cửa nhà”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ dân khác sống bên cạnh xưởng sản xuất này đã rất nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, cấp có thẩm quyền về kiểm tra xử lý nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái gì, vì thế đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Vợ ông Lâm bức xúc: “Gia đình tôi có cháu nhỏ, người lớn thì không sao chứ mùi khét của nhựa cháu nó ngửi phải thường xuyên thì không biết đường nào mà lần”.

Ông Lâm cho biết thêm: “Tiếng ồn và mùi khét gia đình thường xuyên phải tiếp xúc là thế, một cơ sở tái chế sản xuất nhựa quy mô rộng khoảng 700m2 như vậy nhưng không biết nước thải được thải đi đâu mà dân chúng tôi không hề hay biết”.

Anh Hoàng Văn Lung nhà đối diện xưởng sản xuất của hộ ông Mãn cho hay, xưởng chế biến hoạt động mỗi ngày chục tiếng đồng hồ, có hơn chục công nhân làm việc, mỗi khi hai loại máy (máy xử lý nhựa và máy ép dép) hoạt động hết công xuất thì các hộ dân sống xung quanh không sao chịu nổi được tiếng ồn từ xưởng phát ra.

Bên trong xưởng tái chế, sản xuất dép nhựa của hộ ông Mãn.

Bên trong xưởng tái chế, sản xuất dép nhựa của hộ ông Mãn.

Xung quanh cơ sở sản xuất này là hệ thống tường rào cao, cửa đóng kín khó để nhìn vào bên trong.

Xung quanh cơ sở sản xuất này là hệ thống tường rào cao, cửa đóng kín khó để nhìn vào bên trong.

“Nguyên liệu nhà ông Mãn mua về tái chế là các loại nhựa thải như: ống bơm nước hư, dép rách, ủng rách… Mỗi khi tái chế nhựa hoặc ép dép phát ra mùi khét lẹt rất khó chịu, trẻ con ngửi thường xuyên bị ho, có người còn bị buồn nôn. Nhà tôi có hôm phải sơ tán đến nhà ông bà để tránh ngửi phải mùi độc hại từ nhà ông Mãn bay ra”.

Ghi nhận của PV Dân trí, xưởng chế biến nhựa của hộ ông Hoàng Văn Mãn nằm ngay giữa thôn Yên Ninh, giáp ranh với nhiều hộ dân chỉ bằng hệ thống tường rào. Xưởng sản xuất này được hộ ông Mãn xây dựng, lợp mái tôn phủ kín xung quanh, có hệ thống thông gió bằng cửa sổ. Tường rào xung quanh lô đất hộ ông này được xây cao, từ bên ngoài không thể quan sát được vào bên trong, trước cửa nhà cổng cũng được đóng kín để tránh người ngoài nhìn vào bên trong.

Thời điểm phóng viên có mặt, một vài máy của hộ ông Mãn đang hoạt động. Máy móc từ cơ sở này phát ra tiếng ồn như người dân phản ánh là có cơ sở. Được biết, tháng 11/2016, thực hiện công văn của UBND huyện Nho Quan về việc kiểm tra ô nhiễm môi trường do sản xuất nhựa, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nho Quan phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch và UBND xã Yên Quang đã có buổi làm việc với hộ gia đình ông Hoàng Văn Mãn.

Anh Lung chỉ cho PV Dân trí nơi nước thải của hộ ông Mãn chảy ra thường xuyên có các hạt nhựa.

Anh Lung chỉ cho PV Dân trí nơi nước thải của hộ ông Mãn chảy ra thường xuyên có các hạt nhựa.

Ông Lê Trọng Định - Chủ tịch UBND xã Yên Quang nêu ý kiến, việc bà con nhân dân phản ánh về ảnh hưởng môi trường của cơ sở sản xuất dép của nhà ông Mãn là đúng. Ông Đinh Vương Quyền - Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nho Quan cho hay, cơ sở hộ ông Quyền hoạt động năm 2007, thực hiện đề án bảo vệ môi trường được UBND huyện xác nhận năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã không thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư xung quanh.

Các hộ dân sống xung quanh cơ sở sản xuất của hộ gia đình ông Mãn yêu cầu cơ quan chức năng huyện Nho Quan phải di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư, nhưng đến nay vẫn đang được “xem xét”. “Chúng tôi thường xuyên nghe thấy tiếng ồn, mùi khét của cơ sở, đề nghị phải có biện pháp khắc phục xử lý môi trường và kế hoạch di chuyển ra khỏi khu dân cư” - đại diện một số hộ dân có ý kiến.

Được biết, mới đây Phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Nho Quan cùng UBND xã Yên Quang đã về kiểm tra lại cơ sở sản xuất của hộ ông Hoàng Văn Mãn. Thông báo số 24/TB - UBND xã Yên Quang về kết quả xử lý môi trường tại cơ sở sản xuất dép nhựa hộ ông Mãn cho thấy: “Tất cả các kết quả đều tốt”.

Tại buổi làm việc với PV Dân trí, ông Lê Trọng Định - Chủ tịch UBND xã Yên Quang từ chối cung cấp thông tin và giới thiệu phóng viên lên huyện làm việc, huyện sẽ có thẩm quyền cung cấp thông tin và tài liệu liên quan đến vụ việc.

Người dân thôn Yên Ninh nhiều năm qua đề nghị di dời xưởng chế biến nhựa này khỏi khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa có được kết quả như mong muốn, đành phải sống chung với lũ.

Người dân thôn Yên Ninh nhiều năm qua đề nghị di dời xưởng chế biến nhựa này khỏi khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa có được kết quả như mong muốn, đành phải "sống chung với lũ".

dantri