Vùng Vịnh có thể “thiệt đơn thiệt kép” vì vụ Qatar

Cái giá phải trả cho mâu thuẫn ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh...

Vùng Vịnh có thể “thiệt đơn thiệt kép” vì vụ Qatar

Thủ đô Qatar của Doha nhìn từ trên cao vào tháng 3/2013 - Ảnh: Reuters.

AN HUYMâu thuẫn ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng ở vùng Vịnh có thể khiến các quốc gia này thiệt hại hàng tỷ USD do thương mại và đầu tư giảm tốc. Ngoài ra, các nước này cũng có thể phải trả lãi suất cao hơn khi vay vốn giữa lúc phải chật vật đương đầu với giá dầu thấp.



Theo hãng tin Reuters, với khối tài sản 335 tỷ USD trong quỹ đầu tư quốc gia, Qatar có vẻ như hoàn toàn có khả năng tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi bị 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain ngày 5/6 đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao.



Sở hữu cơ sở hạ tầng cảng biển phát triển đồng nghĩa với việc quốc gia nhỏ bé Qatar có thể tiếp tục xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) - mặt hàng mang về cho nước này khoản thặng dư thương mại 2,7 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 4 vừa qua. Ngoài ra, hệ thống cảng biển này cũng cho phép Qatar nhập khẩu hàng hóa qua đường biển, thay vì nhập khẩu theo đường bộ qua biên giới với Saudi Arabia như trước đây.



Mặc dù vậy, nhiều phần của nền kinh tế Qatar vẫn có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nếu mâu thuẫn ngoại giao với các nước láng giềng kéo dài nhiều tháng trời, sau những cáo buộc cho rằng Qatar hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố.



Sau khi quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Qatar được 4 nước công bố, thị trường chứng khoán Qatar đã “bốc hơi” 7% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.



Hãng hàng không Qatar Airways, công ty đang giữ vai trò trung tâm trong nỗ lực của Qatar nhằm trở thành một trung tâm du lịch, có khả năng sẽ đối mặt với thua lỗ do bị cấm hoạt động tại một vài trong số những sân bay lớn nhất khu vực Trung Đông.



Đến nay, Chính phủ Qatar đã vay vốn từ trong và ngoài nước để đầu tư cho những công trình hạ tầng trị giá tổng cộng khoảng 200 tỷ USD để chuẩn bị cho việc đăng cai giải vô địch bóng đá thế giới World Cup vào năm 2022. Việc giá cổ phiếu tại Qatar sụt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai là một tín hiệu cho thấy nước này sẽ phải trả lãi suất cao hơn nếu đi vay thêm trong thời gian tới. Điều này có thể sẽ dẫn tới việc một số dự án cho World Cup bị chậm tiến độ.



Giá cổ phiếu của các quốc gia khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước gần như không thay đổi trong phiên ngày thứ Hai. Tuy nhiên, giới ngân hàng nói rằng toàn bộ khu vực này rút cục có thể sẽ phải chịu mức lãi suất vay vốn cao hơn nếu mâu thuẫn ngoại giao với Qatar kéo dài.



Do đều phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí, các nước GCC không có mối quan hệ đầu tư và thương mại chặt chẽ với nhau. Điều này sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng từ việc cắt quan hệ ngoại giao. UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Qatar trong số các nước GCC, nhưng chỉ đứng thứ 5 trong danh sách các đối tác thương mại nói chung của nước này.



Tương tự, giới đầu tư từ Saudi Arabia và các nước GCC khác thường chỉ chiếm từ 5-10% giao dịch trên thị trường chứng khoán Qatar, đồng nghĩa với việc họ rút khỏi thị trường Qatar sẽ không thể khiến giá các cổ phiếu niêm yết ở đây bị nhấn chìm.



Tuy nhiên, Qatar sẽ đối mặt với tổn thất cao hơn ở một số lĩnh vực. Trong giá trị nhập khẩu thực phẩm 1,05 tỷ USD của Qatar trong năm 2015, Saudi Arabia và UAE cung cấp 309 triệu USD. Phần lớn trong số này là các sản phẩm sữa mà từ nay, Qatar sẽ phải tìm nguồn cung khác để thay thế.



Chưa kể, giá cả xây dựng ở Qatar cũng có thể tăng, kéo theo lạm phát trong toàn nền kinh tế, bởi nhôm và các loại vật liệu xây dựng khác không thể được nhập khẩu qua đường bộ nữa.



Hiện chưa rõ Saudi Arabia có thể thuyết phục thêm các quốc gia khác cắt quan hệ với Qatar. Tuy nhiên, nước này có thể buộc các công ty nước ngoài lựa chọn giữa một bên là làm ăn với Qatar và một bên là thị trường Saudi Arabia, một thị trường lớn hơn nhiều và đang mở cửa theo chương trình cải tổ nền kinh tế.



Giới ngân hàng ở Cairo cho biết một số ngân hàng Ai Cập đã dừng giao dịch với các ngân hàng Qatar. Chưa có thông tin gì về việc ngân hàng của các nước GCC có hành động thương tự hay không. Các ngân hàng thương mại của UAE cho biết họ vẫn đang chờ hướng dẫn từ Ngân hàng Trung ương.



Ngoài thị trường Qatar, các thị trường chứng khoán khác ở vùng Vịnh cũng giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai, dù mức giảm ít hơn. Đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đang lo ngại.



“Nhìn chung, mọi chuyện không ổn… Mọi người đều hy vọng sẽ có sự can thiệp khôn ngoan và tình hình sẽ dịu xuống. Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự leo thang”, ông Mohammed Ali Yasin, Giám đốc công ty chứng khoán NBAD Securities ở Abu Dhabi, nhận định.